Báo động tình trạng mất an toàn lao động trong xây dựng
Trong năm 2014, cả nước đã xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) với 6.941 người bị nạn, trong đó có 592 vụ có người tử vong. Tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng. Số liệu thống kê 6 tháng cuối năm 2014 có hơn 3000 vụ, với 3.505 người bị nạn. Từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước đã xảy ra 33 vụ tai nạn trong lĩnh vực xây dựng, chiếm 57% số vụ TNLĐ. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này và đâu là giải pháp khắc phục?
Nhiều công nhân làm việc trong điều kiện không bảo đảm an toàn lao động (Ảnh chụp tại công trình xây dựng nhà cao tầng ở phố Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội).
Những năm gần đây, TNLĐ (trong đó có không ít vụ gây tử vong) ngày càng gia tăng. Đáng chú ý là số vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng tăng nhanh. Nguyên nhân là do có khoảng 80% công nhân ngành xây dựng là lao động tự do, lao động phổ thông, phần nhiều chưa được đào tạo bài bản nên ý thức bảo hộ lao động kém. Một nguyên nhân nữa không kém quan trọng đó là các nhà thầu chưa quan tâm tới công tác an toàn vệ sinh lao động.
Hình ảnh thường thấy trên các công trường xây dựng là người công nhân chủ yếu vẫn đội mũ mềm, ít sử dụng mũ bảo hộ; nhiều công nhân làm việc trên cao hàng chục mét mà không có đai bảo vệ... Anh Nguyễn Văn Thao làm phụ hồ, quê ở Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) cho biết: “Khi thi công những công trình từ 2 đến 3 tầng, chúng tôi hầu như không đội mũ bảo hiểm vì rất vướng víu, bất tiện. Còn giày bảo hộ lao động thì càng ít sử dụng vì không quen. Trong khi nhiều khu vực có môi trường làm việc thiếu an toàn, như không có hệ thống che chắn, sàn thao tác, lan can bảo vệ, thiếu hệ thống đèn tín hiệu, biển cấm nguy hiểm…”.
Chính sự chủ quan, bỏ qua các quy định về bảo đảm an toàn trong khi làm việc là nguyên nhân dẫn tới những vụ TNLĐ chết người thương tâm. Điển hình như vụ tai nạn rơi thanh sắt tại khu vực công trường thi công dự án đường sắt trên cao Hà Đông-Cát Linh (Hà Nội) vào lúc 9 giờ 55 phút ngày 6-11-2014, làm 1 người tử vong và 3 người khác bị thương. Hay như vụ sập cẩu xảy ra vào 7 giờ 30 phút ngày 9-7-2014 làm 2 người tử vong và 4 nguời bị thương tại công trường thi công dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thuộc địa bàn phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng; vụ tai nạn trong quá trình xây dựng bể chứa nước tinh khiết thuộc nhà máy xử lý nước sạch Formusa ở Hà Tĩnh xảy ra vào ngày 27-7-2014 khiến 3 người chết và 2 người bị thương...
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: “Chúng tôi vẫn xác định ngành xây dựng là ngành xảy ra nhiều TNLĐ nhất. Bởi vì, xây dựng diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, từ những công trình trọng điểm của cả nước đến những công trình xây dựng khu công nghiệp, dân dụng... Đối tượng lao động tham gia cũng rất đa dạng và đông. Có những lực lượng xây dựng chính quy từ những doanh nghiệp nhà nước được đào tạo tương đối bài bản, nhưng cũng có rất nhiều lao động ở nông thôn tranh thủ khi nông nhàn tham gia vào xây dựng. Đây là lỗi của người sử dụng lao động và của cả người lao động. Mặc dù biết mình chưa qua đào tạo, huấn luyện, nhưng vì mưu sinh nên họ vẫn làm việc. Chính vì vậy, chúng tôi cũng xác định đây là lĩnh vực phải quan tâm nhiều hơn. Ngay trong dự án tài trợ của Nhật Bản về tăng cường vệ sinh an toàn lao động đã tập trung đầu tư vào ngành xây dựng”.
Ông Hà Tất Thắng cho biết thêm: “Việc hạn chế tai nạn trong lĩnh vực xây dựng phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành. Theo chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành ngày 18-9-2013 về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì yêu cầu cả 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã, rồi các bộ, ngành và cơ quan khác đều cùng phải vào cuộc để điều chỉnh, quan tâm đến đối tượng này. Mọi biện pháp phải được giải quyết một cách đồng bộ, từ công tác tuyên truyền đến huấn luyện các kỹ năng. Trong dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động mới đây thì những người lao động tham gia vào lĩnh vực xây dựng đều phải được huấn luyện kỹ năng bảo đảm an toàn lao động, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí”.
Theo ông Phan Văn Bé, Trưởng ban An toàn lao động, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xây dựng địa ốc Hòa Bình, để làm tốt công tác an toàn lao động thì sự quan tâm của lãnh đạo mỗi công ty, doanh nghiệp là rất quan trọng. “Đối với công nhân làm việc tại công ty chúng tôi, khi thi công trên cao hoặc ở những nơi nguy hiểm thì ngoài trang phục bảo vệ cá nhân, công ty còn rất chú trọng hướng dẫn cho anh em những quy tắc an toàn. Tất cả các thiết bị điện sử dụng trên công trường đều được chúng tôi kiểm tra định kỳ...”.
Để hạn chế tình trạng mất an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng, thời gian qua, các cấp công đoàn đã quan tâm duy trì, phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức tuyên truyền phổ biến về an toàn vệ sinh lao động tới công nhân, trong đó có công nhân ngành xây dựng. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả chủ sử dụng lao động và người lao động, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị, công trường xây dựng. Với những đơn vị vi phạm, cần có biện pháp xử phạt nghiêm như đình chỉ thi công, phạt hành chính đối với nhà thầu... để răn đe, ngăn ngừa vi phạm, góp phần bảo vệ quyền được làm việc trong môi trường an toàn của người lao động. Dư luận xã hội cũng mong muốn, thời gian tới, Bộ Xây dựng cần tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác an toàn lao động. Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội... chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp trong việc điều tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vụ tai nạn lao động. Cùng với đó, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác an toàn lao động nhằm nâng cao ý thức của người sử dụng lao động và người lao động.
Bài và ảnh: NGUYỄN HUYỀN TRANG
(Nguồn tin: Báo điện tử Quân đội nhân dân)